Ở đời, rất nhiều người “cố tỏ ra nguy hiểm” nhưng lại chẳng có gì đáng ngại. Nhưng cũng có những người “nguy hiểm mà tỏ ra ngu” mới thực sự đáng nể.
Qua 4 câu chuyện thú vị sau đây, bạn sẽ thấy trí thông minh thực sự nằm ở đâu.
Câu chuyện 1 ♦ 5 rúp > 10 rúp
Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu.
Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.
– Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn. Đây, thầy nhìn nhé.
Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước. Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
– Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?
– Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.
Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:
– Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?
– Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không cho em nữa…
Câu chuyện 2 ♥ 5 đồng = 10 đồng
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.
Đ.ầu tiên, tiều phu ra câu đố: “Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”. Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
“Tôi cũng không biết!”, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: “Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi”.
Học giả vô cùng sửng sốt.
Câu chuyện 3 ♣ Bơi lội học
Một vị giáo sư đại học trẻ tuổi, học vấn rất cao, rất rộng, rất nhiều bằng cấp nhưng chưa được tôi luyện trong trường đời. Anh ta đang đi du lịch trên một du thuyền, cũng trên du thuyền đó có một người thủy thủ già thất học, thỉnh thoảng người thủy thủ đó đi vào phòng anh giáo sư để lắng nghe những câu chuyện đầy học thức, đầy ý nghĩa. Người thủy thủ già này rất lấy làm thán phục. Một hôm đang lúc người thủy thủ ra khỏi phòng, vị giáo sư hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác, bác đã học về Địa Chất học chưa?
Vị thủy thủ: Thưa ngài, Địa Chất học là gì?
Giáo sư: Là khoa nghiên cứu về Quả Đất.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, tôi không được đến trường đại học, hay bất cứ trường cao đẳng nào. Tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, như vậy là bác đã uổng phí đi ¼ cuộc đời của bác rồi.
Ông già ấy buồn lắm, vị giáo sư đại học uyên bác đã nói thế, thì chắc chắn mình đã uổng phí đi ¼ cuộc đời của mình rồi.
Ngày kế tiếp, sau cuộc nói chuyện đầy kiến thức uyên thâm, đang lúc người thủy thủ đi ra, vị giáo sư hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác ơi, bác đã học về Hải Dương học chưa?
Vị thủy thủ: Thưa ngài, Hải Dương học là gì?
Giáo sư: Là khoa nghiên cứu về Biển, về Đại Dương này.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, bác đã uổng phí đi một nửa cuộc đời của bác rồi.
Người đàn ông già đó rất buồn, ta đã uổng phí đi một nửa của cuộc đời rồi.
Ngày thứ 3, vị giáo sư lại hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác ơi, bác đã học về Khí Tượng học chưa?
Vị thủy thủ: Khí Tượng học là gì?
Giáo sư: Là khoa về khí hậu, mưa và gió.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, bác đã uổng phí đi ¾ cuộc đời của bác rồi.
Người thủy thủ già buồn lắm, vị giáo sư học cao hiểu rộng đã nói thế… Mình đã uổng phí đi ¾ cuộc đời của mình rồi…!
Ngày kế tiếp là ngày đến phiên của ông già, ông ta hớt hải chạy đến hỏi: Thưa giáo sư, thưa ngài, ngài đã học môn “Bơi lội học” chưa?
Giáo sư: Bơi lội học là gì?
Vị thủy thủ: Ngài có biết bơi không thưa ngài?
Giáo sư: Không, tôi không biết bơi.
Vị thủy thủ: Thưa giáo sư, thưa ngài, ngài đã uổng phí cả cuộc đời của mình rồi. Tàu này đang bị đắm, chiếc tàu này đang chìm xuống nước, những ai biết bơi có thể bơi đến bờ bên kia, những ai không biết bơi sẽ chết chìm. Tôi cảm thấy rất tiếc cho giáo sư, thưa giáo sư, thưa ngài…
Câu chuyện 4 ♠ Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Ngày xưa, trong một ngôi làng, có một nông dân nghèo đã đến ngày phải trả nợ cho một lão già xấu xí một số tiền rất lớn. Người nông dân có một cô con gái rất xinh đẹp đã hợp nhãn lão già chủ nợ, nên lão bèn muốn thương lượng.
Lão nói sẽ xóa sạch nợ cho người nông dân ngay nếu ông gả con gái cho lão. Hai cha con người nông dân nghe thấy thế thì hoảng sợ. Lão già chủ nợ liền đưa ra ý kiến hãy để cho trò may rủi định đoạt số phận. Lão nói với hai cha con rằng lão sẽ đặt vào túi tiền rỗng một viên sỏi trắng và một viên sỏi đen, rồi cô gái sẽ bốc thăm để rút một trong hai viên sỏi ra khỏi túi.
1) Nếu cô bốc phải viên sỏi đen, cô sẽ làm vợ lão và nợ của cha cô được xóa sạch.
2) Nếu cô bốc phải viên sỏi trắng, cô sẽ không phải làm vợ lão và nợ của cha cô cũng được xóa sạch luôn.
3) Nếu cô từ chối bốc thăm, cha cô sẽ bị cầm tù.
Họ nói chuyện này với nhau trước sự chứng kiến của nhiều dân làng, và trên mặt đất ngay tại đó có đầy sỏi. Lúc còn đang nói thì lão già xấu xí cúi xuống nhặt hai hòn sỏi. Khi lão nhặt sỏi, cô gái tinh mắt để ý thấy lão đã lượm hai viên sỏi đen bỏ vào túi. Nhưng cô không nói gì. Rồi lão già chủ nợ yêu cầu cô gái cho tay vào túi để bốc thăm.
Hãy thử hình dung một chút, nếu bạn có mặt ở đó, bạn sẽ khuyên cô gái làm điều gì?
Nếu ta phân tích kỹ, sẽ có 3 khả năng:
1) Cô gái phải từ chối bốc thăm.
2) Cô gái phải lôi hai viên sỏi đen ra khỏi túi để cho mọi người thấy là lão già đã ăn gian.
3) Cô gái phải bốc thăm ra một viên sỏi đen và hy sinh chịu lấy lão già để tránh cho cha mình cảnh tù tội.
Hãy suy nghĩ giây lát về tình huống này.
Câu chuyện này có mục đích cho bạn thấy sự khác biệt giữa tư duy lô-gíc và tư duy gọi là “ngoài lề”. Trường hợp của cô gái không thể giải quyết một cách công minh với loại tư duy lô-gíc truyền thống. Hãy nghĩ đến hậu quả của mỗi lựa chọn. Vậy bạn sẽ làm gì?
Còn đây là điều cô gái đã làm:
Cô cho tay vào túi bốc thăm và cô rút ra một viên sỏi, nhưng cô lóng cóng đánh rơi nó ngay xuống đất mà chẳng ai kịp thấy, lập tức nó bị lẫn lộn với vô số những viên sỏi khác trên mặt đất.
Cô bèn la lên: “Ôi, tôi thật vụng về! Nhưng không sao, nếu tôi lấy viên sỏi còn lại ra thì mọi người sẽ thấy ngay là tôi đã bốc thăm trúng viên nào trước thôi mà!”.
Vì viên còn lại màu đen, viên đầu tiên đã bốc thăm chỉ có thể là trắng. Và vì lão già chủ nợ không dám xưng thú sự gian manh của mình, cô gái đã khiến một tình huống dường như vô vọng có được kết cục rất có lợi.