Một người thợ mộc già sắp đến tuổi về hưu.
Ông nói với người chủ của mình về việc muốn nghỉ luôn để tận hưởng những ngày tháng về già bên vợ và con cái. Người chủ nói với ông thợ mộc rằng ông ấy có thể sẽ không được nhận lương hưu nếu như nghỉ giữa chừng như vậy nhưng người thợ già vẫn khăng khăng xin thôi việc.
Người chủ tiếc nuối khi phải chia tay một trong những người thợ giỏi của mình mà không thể níu chân ông ở lại.
Cuối cùng, người chủ đưa ra một đề nghị cuối với người thợ mộc rằng hãy hợp tác làm một ngôi nhà cuối cùng.
Người thợ mộc già đồng ý song có một điều ai nấy đều dễ dàng nhận ra là tâm huyết của người thợ đối với công việc đã không còn như xưa. Ông làm việc một cách hết sức uể oải, không sử dụng hết năng lực của mình. Nếu như trước đây ông luôn cố gắng để đưa ra cách làm tốt nhất thì giờ ông chỉ làm qua loa cho nhanh và dùng những vật liệu kém chất lượng. Đó thực sự là một tác phẩm cuối cùng đầy đáng tiếc với người thợ mộc giỏi và dày dạn kinh nghiệm như vậy.
Khi ngôi nhà hoàn tất, người chủ đến kiểm tra rồi cầm chiếc chìa khóa nhà đưa cho người thợ già và nói: “Đây là ngôi nhà của ông, món quà này tôi dành tặng ông”.
Thật quá bất ngờ và xấu hổ. Nếu người thợ già biết ông ta đang xây ngôi nhà cho chính mình, ông ấy sẽ làm tốt hơn thế nhiều lần. Còn giờ thì ông ấy phải sống trong một ngôi nhà xấu xí và không chắc chắn do chính mình làm ra.
Có lẽ người thợ mộc già kia và ngôi nhà được xây một cách cẩu thả đó chẳng xa lạ gì với mỗi chúng ta. Rất nhiều người trong số chúng ta đang sống một cuộc đời như những tháng ngày đó của người thợ già, tạo dựng cuộc sống của mình theo cách tạm bợ.
Chúng ta xây dựng cuộc đời của mình một cách cẩu thả, tùy tiện với tâm lý đối phó thay vì nỗ lực làm cho nó thật tốt đẹp. Chúng ta tặc lưỡi hài lòng với những gì đang có mà không chịu phấn đấu đến những đích đến cao hơn. Điều quan trọng là, chúng ta chưa làm việc hết sức mình.
Ở một vài thời điểm trong cuộc đời mình, chúng ta làm mọi việc với tâm lý buông xuôi, không hề dốc sức lực. Đến khi nhận ra mọi chuyện và biết mình đang sống trong chính căn nhà do đôi bàn tay ta tạo dựng, ta mới hối hận về những viên gạch xấu xí chúng ta đã xây một cách cẩu thả để tạo nên cuộc đời mình. Cũng như người thợ già trong câu chuyện trên, nếu biết mình đang xây ngôi nhà là món quà tặng của ông chủ, chắc chắn ông ấy sẽ dành nhiều tâm sức và làm tốt hơn nhiều lần. Hai chữ “giá như”, cảm giác tiếc nuối chỉ đến khi chúng ta nhìn thấy hậu quả.
Chúng ta không được chọn cho mình hoàn cảnh sống, xuất thân song hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ của mình trước mọi hoàn cảnh. Nếu muốn có một công việc tốt hơn, hãy tin vào năng lực của bản thân, từng bước chuẩn bị những điều kiện cần thiết và nắm bắt lấy cơ hội.
“Cuộc đời là một bản vẽ do chính chúng ta thiết kế nên”.
Mỗi ngày bạn sẽ đóng một cây đinh, đặt một tấm ván hay một viên gạch cho chính ngôi nhà của mình. Hãy thật sáng suốt và nhớ rằng, bạn chỉ có một cuộc đời duy nhất để làm điều đó.
Hãy chắc chắn rằng mình luôn bắt đầu một ngày mới với thái độ sống tích cực. Thay vì bực tức với lũ trẻ chậm chạp, nổi cáu khi không may hỏng xe giữa đường, hãy học cách mỉm cười với chính mình và thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ta thêm một ngày để đón chào những điều tốt đẹp khác. Ngay cả khi chỉ có thể sống thêm một ngày nữa, ngày đó vẫn xứng đáng để bạn sống một cách thật trọn vẹn.
Cuộc sống hôm nay là kết quả từ thái độ sống và những chọn lựa của ta trong quá khứ. Cuộc sống ngày mai chính là kết quả từ thái độ sống và những lựa chọn của bạn trong ngày hôm nay.
Hãy giữ lại những nền móng tốt đẹp của quá khứ, loại bỏ những điều không cần thiết cho cuộc sống tương lai và suy nghĩ tích cực để xây nên một ngôi nhà vững chắc cho ngày mai ngay từ lúc này.
“10% cuộc sống của bạn là do những gì bạn tạo ra, 90% còn lại tùy thuộc vào cách bạn suy nghĩ và cảm nhận”.
Tham khảo thêm:
Người xuất sắc và tính kỷ luật tự thân
Có thể bạn quan tâm:
Khóa học yoga cơ bản cho người mới
Lớp tập yoga thường xuyên mỗi ngày