Một lần, có chàng trai trẻ đến gặp một vị giáo sĩ người Do Thái nổi tiếng ở New York và nói rằng anh rất muốn nghiên cứu về cuốn sách Talmud – Trí tuệ của người Do Thái.
“Cậu có nói được tiếng Aram không?”, vị giáo sĩ hỏi.
“Không, tôi không thể”.
“Thế còn tiếng Hebrew?”, ông tiếp tục hỏi.
“Không”.
“Ít nhất cậu cũng từng học kinh Torah khi còn nhỏ chứ?”, giáo sĩ hỏi tiếp.
“Không, xin lỗi thưa giáo sĩ. Nhưng xin ngài đừng lo. Tôi đã tốt nghiệp tại Đại học UC Berkeley và mới bảo vệ luận án về Triết học. Tôi muốn nghiên cứu về Talmud để hoàn thiện thêm công trình của mình”.
Vị giáo sĩ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
“Cậu chưa sẵn sàng để nghiên cứu Talmud. Đó là cuốn sách sâu sắc nhất. Tôi sẽ cho cậu một thử thách trước và nếu cậu có thể vượt qua, tôi sẽ giúp cậu”.
Chàng trai nọ đồng ý ngay lập tức. Thấy vậy vị giáo sĩ tiếp tục câu chuyện của mình:
“Có 2 người đàn ông chui ra từ ống khói, một người có khuôn mặt sạch sẽ và người còn lại thì có khuôn mặt lem luốc. Theo cậu, ai sẽ là người đi rửa mặt?”.
Chàng trai thực sự đã rất bối rối trước câu hỏi của giáo sĩ:
“Câu hỏi này chính là thử thách sao?”.
Thấy giáo sĩ gật đầu, chàng trai liền đưa ra câu trả lời của mình.
“Tất nhiên là người đàn ông có khuôn mặt lấm lem sẽ đi rửa mặt trước rồi”.
“Cậu sai rồi! Người đàn ông mặt lem luốc kia sẽ nhìn sang người đàn ông mặt sạch sẽ và nghĩ rằng mặt mình cũng sạch như vậy. Trong khi đó, người đàn ông mặt sạch lại nhìn thấy người đàn ông mặt bẩn và nghĩ mặt mình cũng đang lấm lem như thế. Nói cách khác, người đàn ông có khuôn mặt sạch sẽ đi rửa mặt trước”.
“Câu hỏi này bẫy quá. Ngài làm ơn hãy cho tôi một cơ hội khác được không?”.
“Ta sẽ làm như lời cậu nói. Có hai người đàn ông chui ra từ ống khói. Một người với khuôn mặt sạch sẽ, một người với khuôn mặt lấm lem. Hỏi ai sẽ là người đi rửa mặt?”.
“Chờ đã! Không phải người đàn ông mặt sạch sẽ đi rửa trước hay sao?”.
“Cậu sai rồi. Cả hai người đều sẽ đi rửa mặt. Người đàn ông mặt sạch nhìn người mặt bẩn sẽ nghĩ mặt mình bẩn nên anh ta sẽ đi rửa mặt. Người mặt bẩn thấy rằng người mặt sạch cũng đi rửa mặt nên sẽ đi rửa mặt theo”.
“Ồ! Tôi thực sự không nghĩ rằng mình đã mắc một sai lầm khác. Xin ngài hãy cho tôi một cơ hội nữa thôi”.
Giáo sĩ lại tiếp tục đọc câu hỏi như đã đưa ra cho chàng trai. Cậu không khỏi khó hiểu:
“Không phải chúng ta vừa nói chuyện này sao? Kết quả là cả 2 người đàn ông đều đi rửa mặt à?”.
“Cậu lại sai thêm lần nữa rồi! Không ai trong số họ sẽ đi rửa mặt cả. Người đàn ông mặt bẩn thấy người mặt sạch và nghĩ mặt mình cũng sạch. Người mặt sạch thấy người mặt bẩn còn không rửa mặt thì sao anh ta phải rửa mặt làm gì”.
Câu trả lời khiến chàng trai rất buồn. Cậu cố nài nỉ giáo sĩ:
“Xin giáo sĩ hãy tin tưởng con thêm lần nữa. Con nghĩ mình có đủ kiến thức để học cuốn sách Talmud. Xin hãy hỏi con câu khác đi ạ”.
“Được rồi. Hai người đàn ông chui ra từ ống khói…”
“Sẽ không có ai trong số họ đi rửa mặt cả!”, chàng trai tuyệt vọng gào lên.
“Cậu lại sai nữa rồi! Trước khi trả lời một câu hỏi, cậu cần suy nghĩ về vấn đề đặt ra. Vì sao hai người cùng chui ra từ ống khói mà một người mặt sạch, một người mặt bẩn? Câu hỏi này hoàn toàn vô lý và vô nghĩa! Nếu cậu cứ dành cả đời để đi trả lời những câu hỏi sai, cậu sẽ chẳng đi đến đâu cả”.
***
Câu chuyện vui về học thức
Một vị giáo sư đại học trẻ tuổi, học vấn rất cao, rất rộng, rất nhiều bằng cấp nhưng chưa được tôi luyện trong trường đời. Anh ta đang đi du lịch trên một du thuyền, cũng trên du thuyền đó có một người thủy thủ già thất học, thỉnh thoảng người thủy thủ đó đi vào phòng anh giáo sư để lắng nghe những câu chuyện đầy học thức, đầy ý nghĩa. Người thủy thủ già này rất lấy làm thán phục. Một hôm đang lúc người thủy thủ ra khỏi phòng, vị giáo sư hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác, bác đã học về Địa Chất học chưa?
Vị thủy thủ: Thưa ngài, Địa Chất học là gì?
Giáo sư: Là khoa nghiên cứu về Quả Đất.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, tôi không được đến trường đại học, hay bất cứ trường cao đẳng nào. Tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, như vậy là bác đã uổng phí đi ¼ cuộc đời của bác rồi.
Ông già ấy buồn lắm, vị giáo sư đại học uyên bác đã nói thế, thì chắc chắn mình đã uổng phí đi ¼ cuộc đời của mình rồi.
Ngày kế tiếp, sau cuộc nói chuyện đầy kiến thức uyên thâm, đang lúc người thủy thủ đi ra, vị giáo sư hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác ơi, bác đã học về Hải Dương học chưa?
Vị thủy thủ: Thưa ngài, Hải Dương học là gì?
Giáo sư: Là khoa nghiên cứu về Biển, về Đại Dương này.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, bác đã uổng phí đi một nửa cuộc đời của bác rồi.
Người đàn ông già đó rất buồn, ta đã uổng phí đi một nửa của cuộc đời rồi.
Ngày thứ 3, vị giáo sư lại hỏi ông ta.
Giáo sư: Này bác ơi, bác đã học về Khí Tượng học chưa?
Vị thủy thủ: Khí Tượng học là gì?
Giáo sư: Là khoa về khí hậu, mưa và gió.
Vị thủy thủ: Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả.
Giáo sư: Bác ơi, bác đã uổng phí đi ¾ cuộc đời của bác rồi.
Người thủy thủ già buồn lắm, vị giáo sư học cao hiểu rộng đã nói thế… Mình đã uổng phí đi ¾ cuộc đời của mình rồi…!
Ngày kế tiếp là ngày đến phiên của ông già, ông ta hớt hải chạy đến hỏi: Thưa giáo sư, thưa ngài, ngài đã học môn “Bơi lội học” chưa?
Giáo sư: Bơi lội học là gì?
Vị thủy thủ: Ngài có biết bơi không thưa ngài?
Giáo sư: Không, tôi không biết bơi.
Vị thủy thủ: Thưa giáo sư, thưa ngài, ngài đã uổng phí cả cuộc đời của mình rồi. Tàu này đang bị đắm, chiếc tàu này đang chìm xuống nước, những ai biết bơi có thể bơi đến bờ bên kia, những ai không biết bơi sẽ chết chìm. Tôi cảm thấy rất tiếc cho giáo sư, thưa giáo sư, thưa ngài…
Phải! chúng ta có thể học tất cả các môn học trên đời này. Nhưng nếu chúng ta không học môn “bơi lội học” thì các môn này có ích lợi gì…?!? Ngay cả đến môn bơi lội bạn có thể học sách vở, có thể nghe giảng giải, nhưng nếu bạn không chịu nhúng mình xuống nước, làm sao nó giúp ích cho bạn được. Tất cả đều là lý thuyết, lý thuyết, không có thực hành. Bạn phải bơi trong trải nghiệm, bơi trong thực hành…!