Một người nọ, cảm thấy mình đã cố gắng tu tâm tích đức, sống lương thiện chăm chỉ mà cuộc đời vẫn “lận đận” chẳng đi đến đâu, liền đến gặp một bậc thầy để tìm hiểu nguyên do. Người đó hỏi: “Tại sao những người ở hiền như con lại chẳng gặp lành, còn nhiều người ác hơn mà sống quá sung sướng vậy?”
Người thầy từ tốn trả lời:
“Một người cảm thấy khổ trong lòng, chắc chắn vẫn còn mang giữ những ác ý nào đó. Người không giữ ác ý, tâm sẽ không thống khổ. Vì vậy, con thấy mình khổ là do con chưa thực sự là người thiện lương, còn những người con nghĩ là ác lại chưa chắc đã là người ác. Vì người ác sẽ không thể sống vui vẻ thực sự”.
Không phục, người nọ liền đáp:“Tại sao con lại là người ác ý, thưa thầy? Con đã sống rất lương thiện mà?”
Thầy trả lời:
“Con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con còn tồn tại điều ác. Con hãy nói ta nghe những nỗi khổ của mình, ta sẽ nói con biết đó là điều ác nào”.
Như được cởi tấm lòng, người nọ liền nói liền một mạch về những nỗi khổ anh ta cảm thấy trong đời. Làm việc chăm chỉ, mà tiền lương chẳng đáng là bao, nhà cửa chật hẹp, khiến anh ta luôn chịu cảnh thấy thua thiệt so với người khác. Trong khi có những kẻ, văn hóa chẳng có, trình độ không đến đâu, lại có được cả đống tiền bên người. Anh ta tự thấy mình là trí thức, mà mức sống hiện tại thật không xứng đáng, người thân cũng chẳng nghe lời anh ta khuyên bảo, khiến anh cảm thấy vô cùng khó chịu và không phục.
Bậc thầy lại một lần nữa mỉm cười và giải thích với anh:
“Con đã có thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có cả nhà để ở, chứ không phải lưu lạc lang thang ngoài đường xó chợ – thế nhưng vì còn ác tâm tham lam đối với tiền tài và của cải, nên con vẫn muốn có thêm nữa, mà không có được thì cảm thấy khổ.
Con nghĩ đến những người trình độ chưa bằng mình mà không phục, như vậy là còn ác tâm đố kị. Tự cho mình có văn hóa nên phải được sung sướng, như vậy là ác tâm ngạo mạn.
Muốn người thân nhất nhất nghe theo lời mình, trong khi biết rõ mỗi người một tính, một tình, cũng giống như muốn cưỡng cầu tư tưởng của họ, áp đặt suy nghĩ của họ, chính là con đã hẹp hòi thiếu rộng lượng, đó cũng là ác tâm.
Bởi vì trong lòng con còn bao nhiêu ác tâm đó, nên cũng giống như những gánh nặng, đè lên trái tim khiến con thấy khổ. Nếu có thể loại trừ những ác tâm này, nỗi khổ của con cũng trở thành nhẹ tựa lông hồng”.
Người thầy tiếp tục giảng giải:“Con đủ sống, những người giàu kia cũng đủ sống; con có nhà cửa, không đói rét, họ cũng có nhà cửa, không đói rét. Về bản chất con và họ đâu có khác gì nhau? Nhưng vì lòng đố kị, con luôn so sánh và muốn mình phải hơn người, chính vì vậy tâm hồn mới không thanh thản được”.
Trong cuộc đời, vẫn có nhiều lúc chúng ta nghĩ sao kẻ kia ăn ở như vậy, mà rốt cuộc lại có cuộc đời sung sướng hơn chúng ta. Đó là suy nghĩ nên loại bỏ. Đôi khi, người ác trong mắt ta chưa chắc đã ác như ta tưởng. Thấy người giàu có, vui vẻ, nên mong cho người thêm giàu có, vui vẻ, chứ không phải mong họ sa sút, lụn bại. Như thế mới là lương thiện đích thực.
Người lương thiện không phải là người cho đi để mong chờ điềm lành, mà là người cho đi không mong chờ điều gì. Người lương thiện cũng không phải người gieo nhân tốt mong gặp quả tốt, mà là người chỉ đơn giản có tấm lòng muốn làm điều tốt mà thôi.
Ví như muốn có người yêu mình thật lòng, thì phải yêu người khác thật lòng trước. Mà một khi đã yêu, ai còn đòi hỏi đối phương có phải thật lòng hay không?
Người kia sau khi nghe bậc thầy giảng giải thì ngồi im lặng hồi lâu.“Xưa nay vẫn cho mình là một người lương thiện, nhưng hóa ra trong tâm hồn con còn có một người xấu xa như vậy…”
Vì vậy, đôi khi bạn cảm thấy mình đã ở hiền mà chẳng gặp lành, hãy thử suy nghĩ xem, liệu bạn có đang bị dòng đời này cuốn vào ác tâm nào không?.
ST.
Khóa học yoga cơ bản cho người mới
Lớp tập yoga thường xuyên mỗi ngày