Thực tế, dù là giỏ tre đựng nước cũng không bao giờ rỗng không và trên đời không có nỗ lực nào là vô ích. Vì thế, người xưa mới có lời dạy rằng: “Chén rỗng, thuyền rỗng, giỏ rỗng, bát rỗng, chai rỗng”, ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa.
Thứ nhất, tâm sự chén rỗng
Một học giả từng hỏi một thiền sư già đáng kính về thiền, thế nhưng ông lão này lại cứ nói mãi về những quan điểm cá nhân của mình. Lão thiền sư ngồi im lặng một hồi lâu, sau đó mang trà lên để chiêu đãi vị học giả này. Tuy nhiên, trà rót đến khi sắp đầy mà vị thiền sư vẫn chưa dừng lại. Thấy thế, người học giả lo lắng nói rằng: “Đừng rót nữa, trà sắp tràn ra ngoài rồi”. Lúc này, vị thiền sư già điềm đạm nói rằng: “Ông giống như một cốc nước đầy, chứa đựng quá nhiều các thành kiến và suy nghĩ của riêng bản thân mình. Vì thế, làm sao mà tôi có thể nói cho ông nghe về Thiền được đây!?”.
Sống ở đời, mỗi người đều cần một tâm hồn rộng mở, nó giống như biển lớn có thể dung nạp được trăm sông. Đồng thời, bạn cũng cần có một tinh thần có thể sẵn sàng đón nhận những tri thức mới. Khi đối mặt với những điều mới mẻ, bạn cần phải giữ được cho mình một tâm hồn rộng mở, điều này giống như một chiếc cốc luôn trống rỗng thì sẽ luôn có trà ngon cùng với những điều bất ngờ đang chờ đón ở phía trước.
Thứ hai, chiếc thuyền rỗng của Trang Tử
Có một câu chuyện ngắn được kể trong “Trang Tử Sơn Mộc” rằng: Một người đàn ông sử dụng thuyền để qua sông, lúc này ông bỗng nhiên nhìn thấy một chiếc thuyền đang đi ngược chiều sắp xảy ra va chạm với mình. Người đàn ông lo lắng hét lên rất nhiều lần nhưng không có ai đáp lại. Thế là, người đàn ông liền quay sang chửi người chèo thuyền không có mắt. Tuy nhiên, khi phát hiện ra đó chỉ là một chiếc thuyền rỗng, cơn tức giận trong lòng tự nhiên biến mất.
Có thể thấy, nhiều khi tức giận không phải vì nó làm tổn thương bản thân mà là do tâm lý của người đó có vấn đề. Sống ở đời, đừng quá tự cao tự đại, cũng đừng than phiền. Cứ cởi mở, thoải mái mà sống, vậy thì có gì mà phải tức giận?
Thứ ba, giỏ tre đựng nước
Có hai ông cháu nọ sáng hôm nào cũng thức dậy thật sớm để học bài. Đến một hôm, người cháu hỏi ông rằng: “Ông ơi, ngày nào cháu cũng đọc như ông nhưng cháu lại không hiểu gì cả, cứ đóng sách lại là cháu lại quên hết. Nếu cứ đọc như thế này thì có lợi ích gì không?
Người ông nghe xong không nói gì, sau đó quay sang lấy một chiếc giỏ tre thường đựng than và đưa cho cháu mình, nói: “Cháu hãy mang cái rổ này đi xách nước về đây”. Cậu bé ngay lập tức vâng lời, mang chiếc giỏ ra suối để múc nước. Dù cố gắng rất nhiều lần nhưng lần nào nước ở trong giỏ cũng chảy ra hết trước khi cậu bé mang về nhà.
Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của đứa cháu, người ông liền mỉm cười rồi chỉ vào chiếc giỏ tre. Lúc này, người cháu mới nhận ra rằng chiếc giỏ tre đã khác trước rất nhiều, sạch bóng từ trong cho đến ngoài.
Hiểu đơn giản rằng, khi đọc sách nhiều, dù bạn có không hiểu hoặc không nhớ hết nhưng nó sẽ giúp bạn thay đổi bản thân một cách chậm rãi, bất kể là vẻ bề ngoài hay trong trái tim của mình. Vì thế, trên đời không có công sức nào bỏ ra là vô ích, dù là giỏ tre cũng thực sự không rỗng không.
Thứ tư, chuyện về cái bát rỗng
Có một người học trò trẻ tuổi hỏi vị thiền sư già rằng: “Sư phụ, con cảm thấy mệt quá. Ngày nào con cũng tất bật, bận rộn từ sáng cho đến tối, tại sao mãi vẫn không có được thành tựu nào?” Nghe xong, vị thiền sư suy nghĩ một lúc, sau đó yêu cầu người học trò trẻ tuổi mang một cái bát rỗng tới đây. Sau đó, vị thiền sư mang hơn chục quả óc chó và bỏ vào trong bát, hỏi người học trò: “Con có thể bỏ thêm được quả óc chó vào bát được không?”.
Người học trò trả lời: “Đầy rồi ạ, con không bỏ thêm được nữa”. Sau đó, vị thiền sư già tiếp tục mang gạo và cho vào bát, đến khi đầy cả bát thì cậu học trò dường như đã hiểu ra điều gì đó.
Vị thiền sư già mỉm cười, tiếp tục đổ một gáo nước vào trong bát thì tất cả các khe hở trong bát đều đã được lấp đầy. Vị thiền sư già hỏi học trò: “Lần này bát đã thực sự đầy chưa?”. Người học trò không biết phải trả lời ra sao, vị thiền sư đã tiếp tục cho thêm một nắm muối vào nước, muối cứ thế tan ra và nước cũng không bị tràn ra ngoài.
Đời người giống như một cái bát rỗng. Nếu như mỗi người bị lấp đầy bởi những việc nhỏ trước thì sẽ chẳng còn thời gian để lo nghĩ những việc lớn. Và tất nhiên, cho gì vào bát đầu tiên, quyền lựa chọn là do bạn.
Thứ năm, chiếc lọ rỗng biết nói
Cáo và khỉ đã mấy ngày ròng rã nhưng vẫn chưa được ăn, liền rủ nhau đến xin đồ ăn của Bụt. Thấy thế, Đức Phật nói với chúng rằng: “Có hai cái lọ, trong đó một cái đựng đầy thức ăn và một cái đã hết, các ngươi có thể chọn một cái”.
Suy nghĩ một lúc, cáo liền nói: “Tôi thấy cả hai chai này đều không có gì”. Thấy thế, một cái chai nói ngay: “Tôi không rỗng”. Cáo nghe xong liền chọn cái chai còn lại, quả nhiên trong chai chứa đầy thức ăn ngon.
Thấy khỉ vẫn còn ngơ ngác không hiểu, cáo mỉm cười: Nếu như bạn là một cái chai rỗng, bạn sẽ sợ hãi mọi người biết được sự thật này.
Con người cũng thế, những người ngu thường cố tỏ ra có hiểu biết. Còn những người có hiểu biết, họ sẽ không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì hoặc nói gì về mình.