Vân là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, cô đã làm việc ở công ty này được ba năm rồi, những đồng nghiệp đến sau cô lần lượt có được cơ hội thăng chức, còn cô cứ mãi dậm chân tại chỗ, trong lòng cảm thấy không công bằng.
Rồi cũng đến một ngày, Vân phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải, cô tìm gặp ông chủ để nói lý lẽ: “Thưa Chủ tịch, tôi có bao giờ đi muộn về sớm, hay vi phạm nội quy công ty không?”.
Ông chủ trả lời thẳng thắn “Không”.
“Vậy là vì công ty có thành kiến với tôi ư?”.
Ông hơi ngớ người, sau đó nói tiếp “Đương nhiên là không phải rồi”.
“Tại sao những người có ít kinh nghiệm làm việc hơn tôi lại được trọng dụng, còn tôi lại cứ mãi làm ở vị trí không quan trọng?”.
Trong chốc lát, Chủ tịch nghẹn lời, sau đó cười nói: “Việc của cô lát nữa chúng ta sẽ nói tiếp, bây giờ tôi đang có một việc quan trọng cần làm, hay là cô giúp tôi xử lý trước đã?”.
“Một đối tác chuẩn bị tới công ty chúng ta khảo sát sản phẩm, cô hãy liên hệ với họ, hỏi xem khi nào họ đến”.
“Đây đúng là một nhiệm vụ quan trọng”. Trước khi đi cô không quên chế nhạo một câu.
Mười lăm phút sau, cô đến văn phòng của ông chủ.
“Đã liên hệ được chưa?” Ông chủ hỏi
“Liên hệ rồi ạ, họ nói có thể tuần sau sẽ đến”
“Cụ thể là thứ mấy?” Ông chủ hỏi
“Cái này tôi không hỏi kỹ”
“Bên họ có mấy người sang”
“Ôi! Ngài có hỏi tôi câu này đâu!”
“Vậy họ sẽ đi bằng tàu hỏa hay máy bay?”
“Câu này ngài cũng đâu có bảo tôi hỏi!”.
Ông chủ không nói gì nữa, ông gọi điện thoại bảo Ngọc đến.
Ngọc vào công ty làm việc sau Vân một năm, hiện đã là người phụ trách của một bộ phận, Ngọc cũng nhận nhiệm vụ giống Vân khi nãy.
Một lúc sau, Ngọc quay lại. “Là thế này…” Ngọc nói: “Bên họ sẽ đi chuyến bay vào 3 giờ chiều thứ sáu tuần sau, khoảng tầm 6 giờ sẽ đến nơi, bên họ có 5 người, trưởng đoàn là giám đốc Toàn của bộ phận vật tư, tôi đã nói với anh ấy rồi, công ty chúng ta sẽ phái người đến sân bay đón họ”.
“Ngoài ra, họ dự định sẽ khảo sát trong vòng hai ngày, hành trình cụ thể, khi họ đến nơi, hai bên sẽ cùng bàn bạc. Để thuận lợi cho công việc của hai bên, tôi đưa ra ý kiến sắp xếp cho họ nghỉ ở Khách sạn Quốc Tế ở ngay gần đây, nếu ngài đồng ý, ngày mai tôi sẽ đặt phòng trước”.
“Còn nữa, dự báo thời tiết tuần sau có mưa, tôi sẽ giữ liên lạc với họ thường xuyên, nếu có gì thay đổi tôi sẽ báo lại ngay cho chủ tịch”.
Vân đứng bên cạnh, mặt đỏ bừng, không nói được gì nữa, ngại ngùng quay về văn phòng.
Tối hôm đó, cô nhận được Email của Chủ tịch:
Gửi Vân! Dù có làm việc ở đâu, thì cũng hãy nhớ những nguyên tắc quan trọng này:
* Nguyên tắc 1: Công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười.
* Nguyên tắc 2: Vào một đơn vị làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền.
* Nguyên tắc 3: Không có ngành nào là dễ kiếm tiền cả.
* Nguyên tắc 4: Làm việc, không có nơi nào là thuận lợi cả, ức chế bực dọc là chuyện bình thường.
– Nguyên tắc 5:
– Không kiếm được tiền, thì kiếm được kiến thức.
– Không kiếm được kiến thức thì kiếm được kinh nghiệm.
– Không kiếm được kinh nghiệm, thì kiếm được trải nghiệm.
– Khi kiếm được những thứ trên rồi, thì không sợ không kiếm được tiền.
* Nguyên tắc 6: Chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội.
Chỉ khi thay đổi thái độ làm việc của bản thân, ta mới có được vị trí cao trong nghề nghiệp.
* Nguyên tắc 7: Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy mơ hồ chỉ có một. Đó chính là trong những năm tháng mà đáng ra ta nên phấn đấu, nên làm việc chăm chỉ thì ta lại nghĩ quá nhiều, nhưng lại làm quá ít!
LUÔN NHỚ: Làm việc bằng cái tâm!
Cô bỗng hiểu ra, không có ai vừa sinh ra đã có thể đảm nhiệm được việc quan trọng, mà bất cứ ai cũng đều bắt đầu từ những việc giản đơn, bình thường nhất.
Hôm nay bạn dán lên mình một cái mác thế nào, có lẽ sẽ quyết định liệu ngày mai bạn có giữ được vai trò quan trọng hay không.
Mức độ để tâm, lo lắng cho công việc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc, bất kỳ một công ty nào cũng đều rất cần những nhân viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động trong công việc.
Những nhân viên xuất sắc không bao giờ là người bị động, đợi người khác sắp xếp công việc cho mình, mà họ luôn là người chủ động tìm hiểu việc mà mình nên làm, rồi dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc ấy.
Tham khảo: Key person trong mắt người chủ doanh nghiệp
♦♦♦
1. Người muốn nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật.
2. Người muốn đi làm lúc chín giờ sáng và tan làm lúc năm giờ chiều.
3. Người muốn sống dựa vào lương cơ bản.
4. Người không có chí tiến thủ.
5. Người không có tư duy chạy đua với thời gian.
6. Người làm việc gì cũng chậm chạp.
7. Người không có nhân phẩm.
8. Người không dám chịu trách nhiệm.
9. Người luôn cảm thấy sản phẩm của mình quá đắt.
10. Người luôn trách móc công ty.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập ra công ty HuaWei đã từng nói: Có rất nhiều người hỏi tôi rằng, công ty có nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật không? Có cần tăng ca không?
Khi ấy tôi chỉ cười mà không nói gì, khách sáo mời họ ra khỏi công ty. Đã muốn nhàn rỗi, sao còn đi làm? Ở nhà luôn có phải là được nghỉ cả tuần rồi không?
Là người, nếu không tranh thủ cố gắng khi còn trẻ, thế thì bạn có tuổi thanh xuân để làm gì?
Người ta đều nói tuổi trẻ chính là vốn, tôi muốn bổ sung thêm là, chỉ khi phấn đấu, vốn liếng của bạn mới có giá trị, chỉ khi liều mạng, tuổi trẻ của bạn mới đáng để bạn tự hào.
– Mở miệng ra đã nhắc đến khó khăn, sự trưởng thành đã cách bạn quá xa rồi.
– Mới bỏ ra chút công sức đã nghĩ đến việc báo đáp, cơ hội đã cách bạn quá xa rồi.
– Vừa bắt tay vào làm đã nghĩ đến lợi ích cá nhân, trái ngọt đã cách bạn quá xa rồi.
– Mới có chút khởi sắc đã đòi hỏi điều kiện, tương lai đã cách bạn quá xa rồi.
– Vừa mới hợp tác đã nghĩ cách sao cho mình không chịu thiệt, sự nghiệp đã cách bạn quá xa rồi.
♦♦♦
Một thanh niên đã có 10 năm làm việc tại một công ty nọ, buồn bã, thất vọng vì thâm niên 10 năm làm việc của mình không bằng những “lính mới” chỉ vài tháng là được tăng lương, thăng chức. Vài lần có “tâm sự” với sếp, nhưng đều nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Những gì cậu đang có là kết quả của những gì cậu đã nỗ lực, cống hiến cho công ty này”.
Bất mãn tột cùng, thanh niên này than vãn, gào thét tên Thượng đế, Ngài hiện ra và hỏi chuyện. Người thanh niên đem toàn bộ những ấm ức của mình kể lại. Thượng đế phán: “Ta sẽ cho người một cơ hội để thấy giá trị của mình đến đâu”. Nói rồi Ngài đưa anh thanh niên một ngọn núi cát, xung quanh là biển, cùng một thanh niên trẻ khác. Ngài giao: “Ta sẽ đặt 2 người ở 2 mặt đối diện của núi cát này. Nhiệm vụ của 2 ngươi là phải cùng gắng sức để xúc cạn quả núi cát này, đổ xuống biển sau lưng các ngươi. Sau khi xúc cạn núi cát sẽ có nhiệm vụ tiếp theo và được nhận tưởng thưởng xứng đáng từ nhiệm vụ đó”.
Những ngày đầu, cả 2 đều rất tích cực xúc cát. Thế rồi, sau vài ngày, người thanh niên kia chợt nhận ra mình có gắng sức mấy rồi đổ cát xuống biển rồi nước biển lại cuốn trôi đi, vậy thì bao công sức “đổ sông đổ biển” hết, chi bằng cứ để tên “trẻ trâu” kia gánh phần lớn công việc này. Thế là mỗi ngày anh ta chỉ quào quào vài xẻng rồi đi ngủ, đi chơi. Phía bên kia, chàng thanh niên trẻ vẫn cần mẫn xúc cát từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới nghỉ.
Cứ vài ngày, Thượng đế lại xuống giao thêm nhiệm vụ nhỏ cho mỗi người, mỗi lần là một khúc gỗ để đóng lại thành chiếc thuyền nhỏ. Người thanh niên kia luôn từ chối nhận thêm nhiệm vụ mới với lý do cả ngày phải xúc cát không còn sức lực, thời gian làm việc gì khác. Người trai trẻ thì sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, tối tranh thủ làm thêm 1 tiếng để hoàn thành.
Sau một tháng, núi cát đã cạn, cả một kho vàng khổng lồ hiện ra. Thượng đế xuất hiện để giao nhiệm vụ mới. Cả 2 đều vui mừng, hồ hởi chờ nhiệm vụ tiếp theo.
Thượng đế phán: “Giờ mỗi ngươi hãy lấy đủ số vàng, cất lên thuyền của mình, chèo thuyền ra khơi và các ngươi sẽ trở về nhà cùng toàn bộ những gì có trên thuyền”. Người thanh niên trẻ khiêng một cục vàng vừa đủ trọng tải cho chiếc thuyền anh ta đóng trong suốt tháng qua, chèo ra gần khơi thì có luồng ánh sáng đưa trở lại nhà cùng với cục vàng đủ sống sung túc cả đời. Người thanh niên kia giờ mới hối hận khóc lóc xin Thượng đế đặc xá thêm một cơ hội, cho chiếc thuyền để về nhà. Thượng đế biến cho anh ta một con thuyền giống như thanh niên trẻ kia, kêu anh ta chọn cục vàng vừa ý mà trở về giống người kia, rồi Ngài biến mất. Anh ta cố gắng chọn cục vàng to nhất có thể, nhưng bê không nổi, vì suốt thời gian qua không lao động nên chân tay đã teo lại. Cuối cùng đành chọn một cục vàng đủ nhỏ để khiêng ra thuyền. Ra đến thuyền, sức cũng đã mỏi, có cố gắng dốc hết sức tàn còn lại thì cũng chỉ chèo được một đoạn ngắn rồi kiệt sức, buông tay cho thuyền tự trôi ngược trở lại cồn cát và sống những ngày cuối cùng trên mỏ vàng khổng lồ.
Thế đấy, trên đời này, kẻ khôn lỏi nhiều lắm, chỉ thích làm việc để khoa trương cho người khác thấy chứ không phải làm việc để bồi đắp, phát triển cho chính mình.
Và càng đáng nói hơn rằng, những kẻ khôn lỏi thì không bao giờ đủ trí tuệ để hiểu rằng, những người quản trị anh minh luôn ở trên tầng rất cao, họ nhìn thấy mọi góc khuất, họ đánh giá cấp dưới thông qua những hành động “góc khuất” và KẾT QUẢ cuối cùng, chứ không phải những báo cáo màu mè, những màn thể hiện chớp nhoáng kiểu “vải thưa che mắt thánh”.
Cũng có một điều đáng nói nữa, những người giữ vai trò quản trị nhưng không có khả năng nhìn người qua các “góc khuất” mà chỉ thích những trò “múa rối” nịnh bợ trước mặt thì đó là một tổ chức sắp đến ngày khai tử.
Hãy khôn ngoan, chớ dại khôn lỏi.