Tôi là một công nhân môi trường, đấy là nói theo văn chương chứ nói như mọi người, cho dễ hiểu thì tôi làm nghề quét rác. Còn vì sao tôi chọn nghề này thì đó lại một câu chuyện dài nhiều tập nhưng tôi khẳng định với các bạn là tôi rất yêu công việc của mình.
Lúc mới đi làm mẹ tôi bảo:
– Nghề nào cũng tốt nhưng nghề này vất vả đó, con lại là con gái nữa!
Công việc của tôi không hề nhàn hạ tí nào. Con người ta ai cũng muốn chọn cho mình công việc nhẹ nhàng và nhiều tiền. Ai cũng muốn ăn trắng mặc trơn, để cùng chồng con đi nhà hàng, du lịch, làm duyên để selfie… Nhưng người công nhân quét rác như chúng tôi thì không có được những diễm phúc ấy. Cả ngày chúng tôi tiếp xúc với những mùi hôi, thối… Những chất thải mà con người sinh hoạt, ăn uống bỏ đi. Chúng tôi có nhiệm vụ dọn sạch chúng đi, để hằng ngày bạn bước trên những con phố sạch đẹp, không có rác bay về cuối trời, không có mùi cống rãnh xộc vào mũi khi bạn đang nhắm mắt mơ màng thưởng thức hương hoa sữa mùa thu…
Công nhân vệ sinh phải dậy từ rất sớm để bắt đầu công việc của mình. Những ngày trời quang mây tạnh, đường dài đầy lá thu rơi, nghe tiếng chổi xào xạc trên phố thì…có thể làm thơ được! Nhưng ngày mưa rây bụi mùa đông và gió rét cắt da, cắt thịt thì chẳng lãng mạn tí nào. Rồi những ngày bão gió tràn về, tôi và đồng nghiệp làm không có thời gian nghỉ, chỉ tranh thủ ăn hộp cơm, uống ngụm nước, tiếp tục công việc, tốc độ làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường để đường phố sạch sẽ, giao thông thuận lợi. Chưa bao giờ chúng tôi được đón Giao thừa cùng gia đình cả, vào cái khoảnh khắc năm cũ từng giây qua đi, năm mới đến, mọi gia đình vui vẻ quây quần bên nhau cầu nguyện cho một năm an lành, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… thì chúng tôi đang cật lực dọn những đống rác cuối cùng nhưng tất cả chúng tôi đều hoan hỉ vì ngày mai, sáng mồng 1 Tết phố xá sạch sẽ, sáng sủa trong gió xuân ấm áp.
Nghề của tôi vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít… Mỗi buổi làm xong việc, nhìn những con phố sạch sẽ lòng thấy vui, thoải mái nhưng chỉ vài tiếng sau là bao ni lông lại bay ở các ngõ ngách…
Có hôm đang chăm chú với những nhát chổi đều đặn trên con phố quen thuộc, tôi chợt nghe: “bộp”… một túi rác của một cô gái rất sành điệu vứt trước mặt, tôi nhẹ nhàng góp ý: – Thùng rác đằng kia cô ạ!
Cô ấy ném cho tôi một cái nhìn thiếu thiện cảm, cái miệng xinh xắn xắn ấy còn định mở ra “thưởng” cho tôi một câu nói gì đấy nhưng cậu người yêu nói: – Nhanh lên em, đến giờ bảo vệ luận án rồi!
Thì ra là họ đi bảo vệ cái luận án… Tôi thở dài.
Những hôm đi theo xe để lấy rác từ hộ gia đình, xe của chúng tôi đi qua, nhiều người đã không chịu được mùi khí uế của rác thải, họ vô ý nhổ nước bọt, bãi nước bọt ấy theo gió bay cả vào người chúng tôi. Tôi biết các bạn không cố ý, nhưng các bạn có thể biểu hiện cảm xúc một cách tế nhị hơn! Nhiều hộ không có thùng rác, cũng chẳng gom rác lại, họ cứ vất tung tóe, bao, hộp thức ăn thừa đầy đường…
Bạn tôi đã góp ý: – Chị gom lại buộc chặt vào để chúng em dễ lấy!
Họ trừng mắt: “Tôi nộp tiền rác hàng tháng đấy!”.
Chao ôi, tôi cạn lời.
Một bà mẹ dẫn con đi dạo công viên, cháu bé uống xong hộp sữa hỏi mẹ:
– Mình vứt vỏ ở đâu mẹ?
– Thì vứt đâu đó! Người mẹ bận lướt điện thoại, trả lời qua loa.
– Nhưng mẹ ơi, cô dạy phải bỏ rác vào thùng, nếu ko thấy thùng đem rác về nhà!
Đứa bé vẫn loay hoay đi tìm thùng rác. Người mẹ lúc này mới ngừng lướt điện thoại, giật cái vỏ hộp sữa trên tay con ném mạnh xuống đất:
– Đấy, có chết ai không nào!
Đúng là không ai chết cả, nhưng bao nhiêu công sức của nhà trường bị người mẹ đổ sông, đổ biển. Thế mới nói: gia đình, nhà trường, xã hội là sự kết hợp hoàn hảo!
Nhưng cũng có nhiều niềm vui lắm, có những buổi trưa nắng làm việc ngoài đường, có một bạn nhỏ, hai tay lễ phép:
– Con mời cô uống nước! Tôi không thiếu ly nước nhưng ly nước ấy mới mát mẻ, tưới tận tim gan tôi, trái tim tôi thấy ấm áp lạ thường!
Và có những lúc chúng tôi đến gom rác ở nhiều hộ gia đình, người ta gom rác rất gọn gàng, rác có mảnh vỡ, họ bọc ba, bốn lớp để giữ an toàn cho chúng tôi.
Hằng ngày làm việc trên bãi rác, nhìn những dòng nước từ chất thải đen ngòm, ngấm vào lòng đất và nguồn nước ngầm, mùi hôi thối bay vào không khí…
Một cô công nhân quét rác ít học như tôi cũng hiểu được vì sao bệnh ung thư của Việt Nam nằm trong các nước thuộc top 2 của thế giới và là quốc gia sử dụng rác thải nhựa đứng thứ 4 trên thế giới… huống hồ chi các bạn là người học cao hiểu rộng mà lại thờ ơ với môi trường?
Viết câu chuyện về nghề nghiệp của chúng tôi, tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn, chúng ta hãy làm gì cho môi trường, trước khi quá muộn!
Nguồn: Fanpage: Tôi là Rác – I am rubbish.